A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục đạo đức, lối sống từ trong gia đình

Chuyên mục: Gia đình | Đăng ngày: 27/05/2021


Gia đình là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách mỗi người. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Giáo dục gia đình hình thành nên nhân cách, lối sống của mỗi người. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài tạo nên tính cách từ thuở ấu thơ của mỗi người cho đến suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, cuộc sống của xã hội hiện đại tác động nhiều mặt đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống. Giáo dục và nhất là giáo dục gia đình đã và đang đòi hỏi cần có những biện pháp thiết thực để xây dựng nhân cách người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Cha mẹ là tấm gương

Gia đình bà Lê Thị Thu ở thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) được mọi người biết đến là một trong những gia đình đi đầu trong phong trào Xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi. Nhiều năm nay, gia đình bà Thu luôn giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu, đi đầu trong các hoạt động phong trào như: đóng góp các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học, Vì người nghèo, thực hiện tốt quy ước, hương ước của địa phương.

Bà Thu cho biết, trước đây, khi gia đình còn nghèo, vợ chồng bà phải đi bán hàng rong. Lúc ấy, hai người vừa quán xuyến công việc, vừa nuôi dạy con, tranh thủ hướng dẫn con học tập, giáo dục các con về nhân cách sống: con cái không chê cha mẹ nghèo, vợ chồng không trách móc nhau bởi kinh tế khó khăn...

“Trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng tôi luôn có sự phân chia bình đẳng dựa trên năng lực mỗi người, không hề có chuyện con giỏi tại cha, con hư tại mẹ. Với con cái, chúng tôi hết sức lắng nghe và tôn trọng lựa chọn của các con trong công việc, cuộc sống, không áp đặt và không bắt các con phải gánh vác ước mơ của cha mẹ”, bà Thu nói.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mộng Nguyệt ở khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) có 4 thành viên, 2 người con của vợ chồng bà đều học giỏi, người con trai lớn đang là kiến trúc sư có công việc phù hợp và ổn định. Để giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, bản thân bà Nguyệt cùng chồng và các con không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Bà Nguyệt chia sẻ: “Vợ chồng tôi luôn ý thức bản thân phải luôn gương mẫu, bình đẳng và kỷ luật. Bởi vậy, ngay trong nếp nhà, các thành viên gia đình luôn thực hiện phương châm “kính trên, nhường dưới”, hòa nhã với mọi người. Hơn nữa, tôi cho rằng, việc vợ chồng dành nhiều thời gian cùng nhau nuôi dạy và giáo dục con... chính là cách nuôi dưỡng và phát huy giá trị gia đình”.

Giữ nếp nhà

Hiện nay, nền kinh tế thị trường đã có những tác động tiêu cực không nhỏ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và đạo đức gia đình nói riêng. Những quy tắc xử thế cơ bản như: phép lịch sự, sự lễ phép thưa gửi trong lời ăn tiếng nói, sự quan tâm các công việc nhà, ý thức nơi công cộng... ít còn thấy trong cách cư xử của một số người, nhất là giới trẻ. Điều đó khiến các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam có biểu hiện xuống cấp, mai một.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL, nhận thức tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục nhân cách, lối sống con người, ngành Văn hóa đã tham mưu chính quyền các cấp nghiên cứu, xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép tuyên truyền, vận động các gia đình giữ gìn nề nếp gia phong gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương, vấn đề giáo dục nhân cách, lối sống con người Việt Nam đã được cụ thể hóa trong hương ước, quy ước và được đưa ra thảo luận công khai trong cộng đồng, được coi là tiêu chí cơ bản để xây dựng và phát triển mô hình thôn/buôn/khu phố văn hóa...

“Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Văn hóa vẫn đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, lồng ghép với xây dựng gia đình văn hóa, nêu gương người tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu; đồng thời lên án, phê phán những lối sống không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình...”, bà Hồng Thái cho biết thêm.

Kết quả, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa. Mô hình CLB gia đình phát triển bền vững không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 276 CLB gia đình phát triển bền vững và 35 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ riêng năm 2020, toàn tỉnh có 95,53% hộ gia đình đăng ký gia đình đạt chuẩn văn hóa.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Văn hóa đã đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, lồng ghép với xây dựng gia đình văn hóa, nêu gương người tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu; đồng thời lên án, phê phán những lối sống không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình...

Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thị Hồng Thái

THIÊN LÝ

Nguồn: baophuyen.com.vn


Tác giả: Thiên Lý
Nguồn:Báo Phú Yên Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Giới thiệu chung
Giới thiệu UBND Tỉnh
Tin tức - Sự kiện
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
website hoạt động có ổn định
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 38
Hôm qua : 50